Israel, Palestine và Jerusalem (P1)

Bởi
Nghiên cứu lịch sử
Cập nhật: 21/06/2023 8:05 pm
Đã đăng: 16/06/2021 10:19 pm

Câu chuyện hôm nay được viết lại từ sự kiện gần đây, khi Israel – Palestine đối diện khả năng bùng nổ chiến tranh toàn diện. Bắt đầu bằng việc chính quyền Israel đuổi 6 gia đình Palestine sinh sống tại khu vực Sheikh Jarrah thuộc Đông Jerusalem, thổi bùng lên ngọn lửa giận dữ của người Palestine. Cảnh sát được gọi đến và đụng độ đẫm máu xảy ra. Hamas, tổ chức vũ trang của người Palestine ở Dải Gaza tuyên bố đứng về phía người dân Palestine bị lấy đất. Cùng thời điểm đó, hàng chục ngàn người Palestine biểu tình bên ngoài đền thờ Al-Aqsa, địa điểm linh thiêng thứ ba của người Hồi giáo. Đền thờ nằm tại khu thành cổ Jerusalem và sát với Bức tường than khóc – địa điểm linh thiêng bậc nhất với người theo Do Thái giáo. Chưa hết, hàng ngàn người Do Thái cũng đổ về khu thành cổ để kỷ niệm ngày Israel chiếm được Đông Jerusalem.

© Wikipedia

Tính từ khuya ngày 10 tháng 05, đã có hơn 1.000 quả rốc két được bắn về phía Israel. Lá chắn bảo vệ Israel mang tên “vòm sắt” đã được kích hoạt với một hình ảnh đẹp kinh khủng trên bầu trời, nhưng là một hình ảnh đẹp đáng sợ của chiến tranh. Quân đội Israel cũng không để yên, đáp trả bằng hàng trăm cuộc không kích.

Câu hỏi:
– Tại sao lại có chuyện thù hận này?
– Tại sao từ ngày chúng ta biết đọc tin tức và đọc thời sự, đã luôn nghe về việc này?
– Và tại sao Jerusalem lại quan trọng đến thế?
– Tại sao họ lại cùng giành nhau một địa điểm linh thiêng?

“Hãy đi tìm lịch sử, bởi chỉ có lịch sử mới đi kể cho bạn về nguồn gốc của vấn đề”.

Tôn giáo – sự ra đời của mâu thuẫn

Thiên chúa giáo, Hồi giáo, vì sao mà sinh ra? Lý do vì sao xuất hiện các cuộc thập tự chinh? Lý do vì sao Israel lại là cái gai trong mắt của cộng đồng Ả Rập.

Đầu tiên là một sự thật gây bất ngờ cho tất cả: Do Thái giáo, Kito giáo (Thiên Chúa Giáo theo cách gọi của tiếng Việt) và Hồi giáo – 3 tôn giáo đang đánh nhau chí chóe ở khu vực Trung Đông … đều có cùng chung một gốc. Đấy được gọi là các tôn giáo độc thần mà nguồn gốc chung của chúng đến từ một nhân vật sống vào đầu thiên niên kỷ 2 TCN (tức cách đây 4000 năm), gọi là Abraham.

Và địa điểm mà người cha ấy sinh ra các tôn giáo đó chính chỗ bom đạn đang nổ ầm ầm: Trung Đông và Jerusalem.

3000 năm về trước, tộc người Do Thái đến định cư ở phía tây bán đảo Ả Rập. Vị vua của người Do Thái tên là vua David (người đã đánh bại tên khổng lồ Goliath) mà nhiều người vẫn dùng thành ngữ. Thủ đô và trung tâm của người Do Thái bạn có biết là tên gì không? Nó tên là … Jerusalem. Và trên quê hương với những vùng đất được định hình này, Do Thái giáo đã được sinh ra từ gốc khởi nguồn của Abraham.

  • Do Thái giáo của người Israel đã xuất hiện từ rất lâu, và còn xuất hiện đầu tiên.
  • Vùng đất mà họ đang sinh sống của hôm nay, là nơi mà tổ tiên họ đã ở đó từ 3000 năm trước.

Nắm kỹ được 2 điều đó, chúng ta mới hiểu để đi đến phần sau của câu chuyện.

Người Do Thái lập nước được một thời gian thì bị đô hộ bởi đế quốc Babylon (Iran, Iraq) ngày nay. Sau đó đến lượt đế chế La Mã thống trị họ. Đây là quốc gia mất nước hơn 1000 năm.

1000 năm sau khi bị mất nước, và dân tộc vẫn đang nằm dưới chế độ cai trị của người La Mã, thì có một người Do Thái được lịch sử giao cho vận mệnh đã xuất hiện. Người đàn ông này và sự vĩ đại của ông ta sẽ thay đổi lịch sử thế giới. Tên ông là … Jesus. Ông tiến vào thành Jerusalem trên lưng một con lừa.

Vì KINH CỰU ƯỚC của người Do Thái ghi rõ “Vị vua của Israel ở tương lai sẽ tiến vào Jerusalem trên lưng một con lừa” nên người Do Thái đã vây lấy ông, nghe ông nói chuyện, đợi ngày ông giải phóng dân tộc khỏi đế chế La Mã. Nhưng không, chỉ một tuần sau, đế chế La Mã biết tin, và người đàn ông ấy đã bị đóng đinh câu rút. Một bộ phận người Do Thái tin rằng chúa Jesus đã chết. Nhưng một bộ phận khác thì không, họ tin rằng chúa sẽ phục sinh và đưa họ ra khỏi dòng khổ ải trầm luân. Bộ phận này tách thành một giáo lý riêng gọi là KINH TÂN ƯỚC, với lễ Giáng Sinh (Chúa ra đời), và Lễ phục sinh (Chúa sống lại), đấy chính là Đạo Thiên Chúa (Kito giáo) của phương Tây. Những người này vì muốn cho tất cả biết rằng Chúa đã phục sinh, nên đã đi khắp nơi để giảng đạo.

Lúc này, vì đế chế đang nằm trong quyền cai trị của La Mã, ngôn ngữ chữ viết La Tinh cũng thống nhất, nên vô tình giúp cho việc giảng đạo được dễ dàng hơn nhờ vào hành chính, giao thông thuận lợi. Câu nói “Đường nào cũng về La Mã” là có ý nói về sự ưu việt về đế chế này. Đến năm 312, một sự kiện lớn xảy ra để Kito giáo trở thành tôn giáo lớn nhất đế chế. Đấy là việc Hoàng đế Constantine nhận được điềm báo Thập tự giá. Cùng thời điểm đấy, ông giành được chiến thắng Maxentius ở trận Cầu Milvian và thâu tóm quyền lực Đông và Tây. Tin rằng được phù hộ (vì nhận điềm báo thập tự giá mà) nên đến năm 313, hoàng đế ra chỉ dụ Milano cho phép người Kitô giáo được tự do hành đạo. Đến năm 380, Theodosius I chính thức công nhận Kitô giáo là quốc giáo của đế chế La Mã. À, đến đây có lẽ bạn đã biết vì sao Roma, Vatican là kinh đô Kito giáo rồi.

Tôi có dòng chảy như sau:

3000 năm trước, Do Thái giáo ra đời. 2000 năm trước, Thiên Chúa giáo ra đời. Vậy Hồi Giáo? 1400 năm trước, đến lượt Hồi Giáo xuất hiện.

Vẫn là trên bán đảo Ả Rập đầy huyền bí đó. Một chàng trai trẻ khác tên là Muhammad (Mô ha mét), đã đến và vẫn là lấy gốc từ chính Abraham để tạo nên Hồi Giáo. Các bạn chú ý, Hồi Giáo thừa nhận hết những con người như Jesus, như Moise, như Abraham. Tuy nhiên, có 1 điểm khác biệt cốt lõi, chính điểm này đã sinh ra mâu thuẫn, và gián tiếp sinh ra đau thương. Bao gồm 2 điểm chính:

  • Muhammad chỉ tự nhận mình là “Nhà tiên tri”, là sứ giả của thượng đế, là người phát ngôn của Thượng đế xuống truyền đạt đúng y lời của thượng đế. Chứ chưa bao giờ ông nói mình là “Chúa”.
  • Muhammad nói rằng KINH KORAN là quyển kinh gốc mà thượng đế ban cho, là quyển kinh “Nguyên sơ nhất”, “Trọn vẹn nhất”. Trong khi Kinh Cựu Ước của người Do Thái và Kinh Tân Ước của người Thiên Chúa đã bị bóp méo đi rồi.

Người theo Do Thái đương nhiên không tin, người theo Thiên Chúa cũng chẳng tin. Nhưng người Hồi Giáo thì tin. Vậy là mâu thuẫn xảy ra khi người Hồi Giáo với niềm tin sắt đá đã xem những kẻ kia là dị giáo. Còn những người kia thì gọi bên kia là “Cực đoan”.

Trong cuộc sống này, suy nghĩ “Ta là số 1, ta là đúng nhất, còn ngươi mới sai” có thể đơn giản chỉ là nghỉ chơi với nhau, thỉnh thoảng nói xấu nhau cho vui miệng (nói xấu quanh năm suốt tháng thì hơi bệnh). Nhưng với vấn đề tôn giáo, khi có sự va đụng về quyền lợi, về vùng đất, thì cái đem lại chính là máu đổ, là chiến tranh.

“Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân.” – Karl Marx

Như đã nói ở trên, người Do Thái mới lập nước chưa được bao lâu thì bị tấn công và đô hộ (giống y như Việt Nam đấy). Các đế quốc hùng mạnh lần lượt tấn công họ và đặt họ vào trong thế vong quốc suốt 2000 năm lần lượt là đế chế Babylon, đế chế La Mã, và cuối cùng là đế chế Ottoman. Sang thế kỷ 20, đế chế Ottoman tan rã thì người Do Thái lại đối mặt với họa diệt chủng từ phía Phát Xít Đức. Nhưng 2000 năm đau thương và bơ vơ đó, người Do Thái chưa bao giờ ngừng phản kháng, chưa bao giờ chịu đầu hàng, và chưa bao giờ quên đi tổ tiên của mình.

Đế chế La Mã vì quá bực mình trước cái chuyện người Israel luôn phản kháng. Họ đã làm một việc mang tính đồng hóa, đấy là sau khi đập Israel một quả nổ đom đóm mắt. Người La Mã đã nhét tất cả 3 tôn giáo tôi kể trên kia vào một vùng đất, với mục đích triệt tiêu sự tồn tại của người Do Thái, một vùng Ả Rập rộng lớn được hình thành, và tên của vùng đất hỗn tạp đó là … Palestine !

Đế chế Ottoman

Palestine nằm trong lòng đế chế Ottoman.

Đấy không đơn thuần là Thổ Nhĩ Kỳ, nước Thổ chỉ là cái gốc sơ khởi để Ottoman đi ra thế giới. Những vị vua giỏi nhất lên nắm quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ và bắt đầu con đường chinh phục của họ, chẳng hạn vua Selim I, người đánh bại Ba Tư, tiêu diệt Ai Cập và đến đại đế Suleiman lấy luôn cả Trung Đông sát nhập vào Ottoman. Người Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay vẫn nói về Ottoman như người Mông Cổ nói về thời đại Thành Cát Tư Hãn.

Và đế chế đó … theo HỒI GIÁO.

Đấy là một trong những đế quốc rộng lớn nhất lịch sử nhân loại, đã từng “phủ” lên cả ba châu lục Á, Âu, Phi, với đội quân khát máu nhất cùng một đế chế thịnh vượng. Có nghĩa, đã có giai đoạn mà Hồi giáo đè bẹp cả Châu Âu. Trong lòng đế quốc Ottoman thời kỳ thịnh trị nhất, đế chế này đã bao gồm cả Hy Lạp, Bulgaria, Romania, Nam Tư (rồi lại tan rã làm 5 nước độc lập khác chẳng hạn Croatia, Serbia…), Hungary, Albania, Syria, Liban, Jordan, Israel, Kuwait, Ai Cập, Sudan, Libya, Iraq, Yemen, Tunisia, Algérie, Síp, Armenia, Gruzia, Ukraina và một phần nước Nga. Tức là có tới 30 quốc gia hiện nay đã được thành lập từ lãnh thổ cũ của Đế quốc Ottoman. Bạn có thể nhận ra những cái tên quen thuộc của mùa xuân Ả Rập ở trong ấy: Tunisia, Algeria, Ai Cập, Yemen, Syria, Iraq, Libya.

Thiên Chúa Giáo ở Châu Âu lại bị đế chế Ottoman đe dọa. Chính ở đây, sinh ra mâu thuẫn giữa người Ả Rập và người Châu Âu. Tất cả liên quan đến một vùng đất thánh tên gọi là Jerusalem.

(Tham khảo: Dũng Phan, Hoàng Bách)
Nguồn: FB Group Đông Lào
Trở lên Trên ▲

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *