Chế độ ăn uống của quân đội La Mã hình thành dựa trên kinh nghiệm qua nhiều cuộc chiến, rất khoa học và tương đương với các vận động viên chuyên nghiệp ngày nay.
Ngũ cốc là nguồn carbohydrate chính, thường được nghiền để làm thành bánh mì (có lò nướng dã chiến và cố định tại pháo đài), cháo, súp…. (cứ mỗi nhóm 8 lính sẽ có 1 người mang theo nồi để đun nấu). Ước tính mỗi người lính La Mã tiêu thụ 1/3 tấn ngũ cốc một năm, 78% đồ ăn hàng ngày là ngũ cốc, con số rất gần với khuyến cáo của Đại học Y khoa Thể thao Mỹ cho các vận động viên.

Thịt được lĩnh khoảng 0.453 kg mỗi ngày, phần lớn là thịt xông khói (bò, cừu, dê…). Đáng ngạc nhiên, người La Mã thích ăn thịt dạng quay và luộc, được khoa học ngày nay xác nhận là phương pháp chế biến ít độc hại hơn rán. Sĩ quan, nếu có điều kiện, thường được phân phối các loại thịt cao cấp hơn như nai, lợn rừng, thiên nga và ngỗng hoang.
Pho mát được chế biến từ các đàn cừu, dê hoặc bò được dắt theo hay chăn nuôi quanh khu vực quân đoàn trú đóng, và trở thành nguồn chất béo chính ngoài thịt.
Muối được dùng bảo quản thịt và cá, có ghi nhận về thói quen ăn thịt đã ướp muối để tránh sinh bệnh.
Rượu làm từ giấm hay nho, thường pha với nước trước khi uống. Nhu cầu rượu rất lớn nên thường phải nhập khẩu. Lượng lớn rượu khác được dùng trong các bệnh viện dã chiến cùng với mật ong (ngoài tác dụng làm ngọt, các bác sĩ nhận ra nó chống được sự nhiễm trùng vết thương).
Rau củ quả mọc quanh doanh trại được tận dụng triệt để. Các loại quả ưa thích là táo, anh đào, đào, mận, óc chó, hạt dẻ.
Ước tính, lượng calo tiêu thụ hàng ngày của một lính La Mã dao động trong khoảng 3.500 calo (lúc ở trong doanh trại) đến 6.300 calo (khi hành quân hay chiến đấu).